Cảnh báo nguy hiểm từ đồ uống có đường

Được đăng bởi: - Ngày đăng: 28/03/2023 10:16:00 AM - Lượt xem: 1 lượt xem.

Tại Việt Nam, đồ uống có đường là mặt hàng đa dạng về mẫu mã và được nhiều người tiêu dùng ưa chuộng. Minh chứng rõ nhất cho thấy, chỉ sau 2 thập niên, người Việt đã uống đồ uống có đường gấp 10 lần.

Tác hại của đồ uống có đường

Được biết, tại Việt Nam, hiện có 6 nhóm đồ uống có đường đang thịnh hành. Nhiều người nghĩ nước ngọt có ga ở vị trí đầu bảng nhưng thực tế đã lùi xuống vị trí thứ hai. Những năm gần đây, nước uống đóng chai đã chiếm lĩnh thị trường lớn nhất với 242 tỷ lít/năm. Tiếp đến là dòng nước ép trái cây đứng thứ 3, trà pha sẵn đứng thứ 4 và nước uống tăng lực, cà phê lần lượt xếp vị trí thứ 5 và 6.

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO) từng công bố, nếu như năm 2002, trung bình mỗi người chỉ dùng 6,04 lít/năm đồ uống có đường thì năm 2021 đã tăng lên 55,78 lít/năm, gấp 10 lần sau 2 thập niên. Đây là số liệu rõ nhất cho thấy, người tiêu dùng Việt đang ngày càng ưa chuộng đồ uống có đường. Trong 500ml nước ngọt chứa 35g chất tạo ngọt tự nhiên, trong khi khuyến cáo WHO chỉ là 25g/ngày/người lớn. Như vậy, người Việt đang sử dụng quá mức cho phép.

Mới đây, tác hại của đồ uống có đường đã được đề cập đến tại Hội thảo khoa học về tiêu thụ đồ uống có đường đối với sức khỏe, tác động của chính sách thuế và giá do Bộ Y tế tổ chức. Tại Hội thảo cuối tuần qua, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết, Việt Nam đang phải đối mặt với sự gia tăng ngày càng trầm trọng của các bệnh không lây nhiễm, ảnh hưởng lớn đến sức khỏe, tính mạng, chất lượng sống của người dân và nhiều hệ quả kinh tế - xã hội khác. Bệnh không lây nhiễm chiếm tới 70% tổng gánh nặng bệnh tật toàn quốc và chiếm tới 77% tổng số tử vong toàn quốc.

WHO sử dụng khái niệm đồ uống có đường cho tất cả các loại đồ uống có chứa đường tự do (đường đơn như glucose, fructose; đường đôi như sucrose, đường ăn) gồm nước ngọt không chứa cồn (soft-drink) có ga hoặc không có ga, nước ép trái cây/rau củ, đồ uống từ trái cây/rau củ, dưới dạng đồ uống, chất cô đặc dạng lỏng và bột, nước có pha chế hương liệu, nước tăng lực và đồ uống cho người chơi thể thao (sport drinks), trà pha sẵn, cà phê pha sẵn và đồ uống sữa có pha chế hương liệu (flavoured milk drinks).

Bên cạnh đó, gánh nặng về thừa cân, béo phì cũng được đề cập đến trong Hội thảo. Tại Việt Nam, tỷ lệ thừa cân, béo phì đã tăng gấp 7 lần ở thanh, thiếu niên 5-19 tuổi (từ 2,6% năm 2002 lên 19% năm 2020) và tăng gấp đôi ở người lớn (từ 10,9% năm 2002 lên 18,3% năm 2016). Thừa cân, béo phì làm tăng các yếu tố nguy cơ của một số bệnh không lây nhiễm bao gồm ung thư, bệnh tim, trẻ hóa độ tuổi mắc nhồi máu cơ tim, tăng huyết áp, đột quỵ, đái tháo đường type 2 và tử vong sớm liên quan.

Thông qua Hội thảo có thể thấy, đồ uống có đường liên quan đến bệnh không lây nhiễm đang là vấn đề được Bộ Y tế đặc biệt quan tâm. Nhất là khi nguy cơ gây ra các bệnh không lây nhiễm trên trẻ em là rất cao bởi trẻ em nước ta đang là đối tượng chính tiêu thụ sản phẩm này. Hiện chưa có số liệu về lượng tiêu thụ nước có đường cụ thể ở trẻ em. Nhưng một vài nghiên cứu nhỏ cho thấy lượng tiêu thụ nước có đường ở trẻ em cao hơn so với người trưởng thành.

Nhiều giải pháp hạn chế đường

Theo khuyến cáo của WHO, lượng tiêu thụ đường của một người trưởng thành là 25g/ngày tương đương 300ml nước ngọt. Tuy nhiên, chúng ta sẽ nạp thêm đường từ các sản phẩm khác như bánh kẹo, hoa quả, sữa chua,… Vì vậy, theo bác sĩ khuyến nghị, người trưởng thành chỉ nên sử dụng 1 lon nước ngọt 1 tuần. Còn trẻ em dưới 3 tuổi tuyệt đối không được sử dụng. Trẻ trên 3 tuổi thì có thể sử dụng 150ml nước ngọt/tuần.

Theo khuyến nghị mạnh mẽ của WHO, mỗi người dân cần giảm tiêu thụ đường tự do trong suốt quá trình sống. Ở cả người lớn và trẻ em, giảm lượng đường tự do ăn vào dưới 10% tổng năng lượng ăn vào hàng ngày, tương đương với 12 thìa cà phê đường. Đặc biệt, mỗi người tốt nhất nên giảm thêm lượng đường tự do ăn vào xuống dưới 5% (6 thìa cà phê đường) tổng năng lượng ăn vào sẽ mang lại lợi ích bổ sung.

Ngoài ra, theo Viện Dinh dưỡng Quốc gia, người tiêu dùng có thể giảm tiêu thụ đồ uống có đường bằng cách nên sử dụng nước lọc, nước đóng chai, trà không đường thay cho các loại nước ngọt. Hạn chế không cho thêm đường vào trà, cà phê hay bất kỳ đồ uống nào khác. Lựa chọn ăn hoặc uống nước ép từ các loại trái cây tươi ít ngọt, hãy chọn trái cây tươi thay vì trái cây sấy hay nước ép đóng chai. Chủ động tìm hiểu và đọc nhãn dinh dưỡng nhằm lựa chọn các sản phẩm chứa lượng đường tự do ít hơn.

Để góp phần giải quyết vấn đề đồ uống có đường liên quan đến bệnh không lây nhiễm, Bộ Y tế đã đề xuất một số giải pháp nhằm giảm lượng tiêu thụ đồ uống có đường, từ đó góp phần giảm tỷ lệ bệnh tật, tử vong, đặc biệt là bảo vệ sức khỏe trẻ em.

Trong đó, giải pháp áp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với đồ uống có đường, bên cạnh đó áp dụng với các giải pháp khác nhau như truyền thông, ghi nhãn đồ uống có đường được đánh giá là hiệu quả, có sức nặng nhất, kinh tế nhất và mang lại lợi ích sức khỏe cho người dân. Đây được coi là biện pháp mạnh bên cạnh truyền thông cùng với kiểm soát quảng cáo, giảm tính sẵn có của sản phẩm.

Ngoài ra, nhiều chuyên gia cho rằng Việt Nam cần sớm ban hành quy định bắt buộc phải dán nhãn dinh dưỡng cho sản phẩm, trong đó có công bố hàm lượng đường; quy định về dán nhãn cảnh báo dinh dưỡng mặt trước của sản phẩm nhiều đường, nhiều năng lượng. Giải pháp này sẽ giúp cảnh báo sản phẩm có thể gây những tác hại nhất định cho sức khỏe người dùng.

Đồng thời, để phòng chống những ảnh hưởng không tốt đến cơ thể từ việc tiêu thụ các sản phẩm đồ uống có đường thì chính những người tiêu dùng cần phải ý thức được tác hại mà nó mang lại. Bắt đầu từ việc hạn chế dần sử dụng các đồ uống có đường trong cuộc sống hàng ngày.

(Theo Linh Chi/báo Pháp Luật)

Từ khóa:
Những kiến nghị và thắc mắc của bạn

Ý kiến của bạn