Cách phòng tránh điện giật trong lúc mưa lớn, gió giật mạnh

Được đăng bởi: - Ngày đăng: 04/07/2023 11:04:00 AM - Lượt xem: 2 lượt xem.

Để phòng tránh điện giật, người dân không trú ở chân cột điện, gần trạm biến áp, chạm trực tiếp vào cột điện, dây nối đất, dây chằng cột điện, thùng điện kế,... khi trời mưa.

Trong những ngày đầu tháng 7, tại TP.HCM liên tiếp xảy ra các ca tử vong do điện giật trong thời tiết mưa, gió giật mạnh.

Ngày 1/7, chủ một căn nhà ở đường Nguyễn Văn Khối (quận Gò Vấp) đang sửa điện trên sân thượng thì bất ngờ co giật, tử vong nghi bị điện giật, lúc này trời có mưa.

Cùng ngày, người dân sinh sống gần trường Chính sách công và Phát triển nông thôn (phường Bến Nghé, quận 1) phát hiện trên mái tôn của trường này có một nam giới nằm bất động, nghi bị điện giật.

Một ngày sau đó, một người đàn ông trèo lên mái nhà trên đường Nguyễn Súy (quận Tân Phú) quét dọn rác, không may tử vong, nghi là do điện giật. Tại thời điểm xảy ra vụ việc, trời có mưa.

Bà Lê Thị Xuân Lan, nguyên Phó phòng Dự báo Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam Bộ, nhìn nhận TP.HCM và Nam Bộ đang vào cao điểm mùa mưa. Do đó, đợt mưa lớn như những ngày qua sẽ còn lặp lại.

"Gió mùa tây nam thôi mạnh gây ra những nhiễu động, ổ mây dông từ ngoài biển vào hoặc hình thành ngay trên đất liền gây lốc, sét, gió giật mạnh, vòi rồng. Khi ổ mây dông phát triển mạnh mẽ, giữa các đám mây sẽ xảy ra sét đánh", bà Lan đánh giá.

 
 
phong tranh dien giat anh 1

Đợt mưa lớn như những ngày qua sẽ còn lặp lại tại TP.HCM. Ảnh: Quỳnh Danh.

Vị chuyên gia thời tiết nhìn nhận những trường hợp giật điện trong cơn mưa thường do người dân lên sân thượng lấy quần áo, dọn rác, sửa chữa điện,... Trong lúc gió mạnh, dây điện sà xuống hoặc đứt rồi chạm xuống mái tôn, thùng chứa nước, cột ăng-ten trên mái nhà. Thậm chí, có trường hợp dây điện không chạm vào những đồ vật này nhưng lâu ngày bị hở rồi rớt xuống sàn nhà bị ướt có thể dẫn điện và gây chết người.

Bà Lan khuyên người dân tránh những vũng nước, đồ dùng kim loại dẫn điện, không leo lên mái nhà, vào phòng tắm trong lúc trời có dông sét, nên ngồi trong nhà và đi dép để cách điện.

Công ty Điện lực TP.HCM cũng khuyến cáo người dân không đứng trú ở chân cột điện, dưới mái hiên gần trạm biến áp, chạm trực tiếp vào cột điện, dây nối đất, dây chằng cột điện, thùng điện kế (đồng hồ điện), thùng cầu dao, lên sân thượng, mái nhà nơi có đường dây điện băng qua, tự ý sửa chữa đường dây, thiết bị điện ngoài trời trong cơn mưa.

Đồng thời, người dân nên ngắt nguồn điện nếu nhà bị ngập nước hoặc bị mưa làm ướt sàn, ổ cắm điện và thiết bị có nguy cơ chập điện cục bộ…

Nên bố trí chỗ lắp đặt đường dây dẫn, ổ cắm và thiết bị sử dụng điện trong nhà cao hơn mực nước thường ngập lụt, ẩm ướt; lắp thiết bị đóng, cắt có tính năng chống rò điện.

Khi có mưa to, gió lớn, người dân nên cắt nguồn điện cung cấp cho các thiết bị sử dụng điện lắp đặt ngoài trời. Đặc biệt, cần tránh xa và cảnh báo cho người xung quanh biết và lập rào chắn khi phát hiện cột điện ngã đổ, dây điện đứt rơi xuống đường, ruộng, ao hồ,...

UBND TP.HCM cũng vừa chỉ đạo thủ trưởng các sở, ngành, đơn vị rà soát, có biện pháp xử lý cành, nhánh các cây cao dễ ngã đổ, nhất là cây xanh ở khu vực trường học, bệnh viện, công viên, khu dân cư…

Khi có mưa giông, gió giật mạnh, cần sơ tán người dân (nhất là người già, trẻ em, phụ nữ có thai, người tàn tật, người bệnh) ra khỏi những căn nhà tạm bợ, đến nơi tránh trú an toàn.

(Theo Zing)

Từ khóa:
Những kiến nghị và thắc mắc của bạn

Ý kiến của bạn