May 10 tham gia chương trình áp dụng và xây dựng lộ trình chuyển đổi số, sẵn sàng cho công nghiệp thông minh (SIRI)

Được đăng bởi: - Ngày đăng: 13/11/2019 10:25:00 AM - Lượt xem: 136 lượt xem.

Trong hai ngày 11 và 12/11, đoàn công tác do Bộ Công Thương phối hợp với Tập đoàn Siemens (CHLB Đức), Hội đồng phát triển kinh tế Chính phủ Singapore (EDP) đã có buổi làm việc tại TCT May 10, thực hiện chương trình đánh giá áp dụng và xây dựng lộ trình chuyển đổi số theo bộ chỉ số: Mức độ sẵn sàng cho công nghiệp thông minh (SIRI).

Ảnh: Thái Nguyễn

SIRI (Smart Industry Readiness Index) là bộ chỉ số tinh gọn được xây dựng với mục đích cải tiến sản xuất theo xu hướng công nghiệp 4.0, giúp doanh nghiệp thực hiện 4 mục tiêu:

  1. Nắm bắt toàn diện về các nguyên tắc cơ bản cho phát triển sản xuất thông minh và những lợi ích thực tế từ những định hướng phát triển này.
  2. Đánh giá thực trạng cơ cấu, hệ thống, quy trình sản xuất nhằm xác định các lĩnh vực đầu tư, cải tiến theo xu hướng công nghiệp 4.0, phù hợp với nhu cầu phát triển của từng doanh nghiệp; giúp doanh nghiệp theo dõi, đánh giá quá trình đầu tư, cải tiến.
  3. Xây dựng chiến lược chuyển đổi công nghệ và lộ trình triển khai từng bước.
  4. Mang lại hiệu quả sản xuất thiết thực, tạo động lực duy trì cải tiến liên tục.

Đoàn chuyên gia có hai ngày làm việc tại TCT May 10. Trong ngày đầu doanh nghiệp được cung cấp thông tin chi tiết về Bộ chỉ số, hiểu rõ phương thức thực hiện, thang đánh giá và các nhóm kết quả của Bộ chỉ số này để có thể đưa ra câu trả lời chính xác. Sau đó, doanh nghiệp đã làm việc cùng nhóm chuyên gia nhằm đánh giá thực trạng hiệu quả sản xuất và cơ cấu chi phí sản xuất của doanh nghiệp.

Trong ngày làm việc thứ hai, dựa trên các mục tiêu phát triển thực tế của doanh nghiệp, đơn vị tư vấn và doanh nghiệp cùng thảo luận về các định hướng và trọng tâm đầu tư công nghệ cụ thể nên được thực hiện trong 2 – 3 năm tới.

Ông Shridhar Ravikumar, tư vấn viên về Cách mạng công nghiệp 4.0 - Tập đoàn Tuv Sud – CHLB Đức: Việt Nam là một trong 3 quốc gia đứng đầu thế giới về sản xuất mặt hàng may mặc, bên cạnh Trung Quốc và Ấn Độ. Bởi vậy, Việt Nam có tiềm năng rất lớn về chuyển đổi số trong công nghiệp may mặc. Garco10 không chỉ là một doanh nghiệp tiêu biểu trong ngành mà còn có tính chủ động cao trong việc tìm kiếm, khởi động quá trình chuyển đổi số. Vì những lý do này, Bộ Công Thương và Công ty Tuv Sud chúng tôi đã lựa chọn Garco10 là doanh nghiệp đầu tiên để thực hiện hỗ trợ áp dụng đánh giá bộ chỉ số SIRI, qua đó giúp doanh nghiệp xây dựng chiến lược và tư vấn các hoạt động bắt đầu chuyển đổi, hướng tới nâng cao năng suất và tối ưu hóa sản xuất thông qua đổi mới công nghệ.

Ông Nguyễn Trọng Hà, Trưởng phòng Công nghệ Thông tin - TCT May 10 cho biết: Chúng tôi nhận thấy hiện nay việc áp dụng công nghệ thông tin vào trong sản xuất là việc vô cùng quan trọng. Đặc biệt trong lĩnh vực dệt may hiện nay có sự biến động lao động rất lớn, vì vậy cần tìm ra những phương pháp để thay thế dần sức lao động của con người. Để áp dụng và vận hành một cách tốt nhất các công nghệ mới vào sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực may mặc thì việc quan trọng nhất là chúng ta phải có cơ sở hạ tầng về công nghệ thông tin tốt. Bên cạnh đó phải có một đội ngũ nhân lực đủ mạnh để vận hành và triển khai trong quá trình thực hiện.

Sau khi tham dự chương trình Hội thảo do Bộ Công thương tổ chức vào ngày 5/11/2019, TCT May 10 đã kịp thời đăng ký để trở thành 1 trong 15 doanh nghiệp được đánh giá SIRI miễn phí ngay trong tháng 11/2019.

Quy trình đánh giá SIRI được thực hiện theo 4 bước:

  • Bước 1: Đánh giá theo SIRI. Đánh giá mức độ sẵn sàng chuyển đổi số của Doanh nghiệp
  • Bước 2: Lộ trình chuyển đổi số. Xác định trọng tâm đổi mới công nghệ và lộ trình thực.
  • Bước 3: Tư vấn xây dựng mô hình điểm. Thiết kế, tư vấn giải pháp, mô phỏng phương án.
  • Bước 4: Triển khai thực hiện. Đầu tư các giải pháp chuyển đổi số.

7 trong số 15 doanh nghiệp tham gia đánh giá SIRI sẽ được lựa chọn để tiếp tục nhận tư vấn sâu về giải pháp, phương án đầu tư chuyển đổi số theo các bước 3 và bước 4.

Hồng Hạnh

Từ khóa:
Những kiến nghị và thắc mắc của bạn

Ý kiến của bạn