May 10 - những tin tức sự kiện nổi bật tuần qua

Được đăng bởi: - Ngày đăng: 08/08/2020 10:57:00 AM - Lượt xem: 22 lượt xem.

Xin mời anh chị em và các bạn đến với một số thông tin đáng chú ý trong tuần.

May 10 họp sơ kết hoạt động sản xuất kinh doanh tháng 7/2020

Sáng ngày 3/8/2020, cơ quan điều hành Tổng Công ty May 10 đã họp sơ kết hoạt động sản xuất kinh doanh tháng 7/2020; đồng thời đặt ra mục tiêu phương hướng trong thời gian tới.

Tại buổi họp, Tổng Giám đốc chỉ đạo các Xí nghiệp, phòng ban cần tăng cường triển khai hiệu quả việc rà soát công việc của các nhân sự để có sự phân công lao động hợp lý nhất trong bối cảnh hiện nay. Bên cạnh đó, trong giai đoạn này cần đặc biệt chú trọng vào công tác kiểm kê hàng hóa, nguyên phụ liệu, ứng dụng hiệu quả phần mềm quản lý Miti.

Ban điều hành TCT đặt ra mục tiêu kép vừa tích cực nỗ lực phòng chống dịch vừa phát triển kinh doanh. Lãnh đạo các Xí nghiệp tập trung tuyên truyền những khó khăn của quý 3, quý 4/2020 về nguồn hàng, phát huy truyền thống tinh thần đoàn kết, vượt khó, chia sẻ khó khăn.

May 10 tái thiết lập các biện pháp phòng chống dịch Covid-19

Đại dịch Covid-19 bùng phát kể từ đầu năm 2020, diễn biến phức tạp trong nhiều tháng liên tục đã gây ra những khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp ngành dệt may nói chung và TCT May 10 nói riêng.

Thấu hiểu được những kết quả tích cực từ việc thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng chống dịch theo khuyến cáo của Bộ Y tế từ giai đoạn trước, ngay từ khi phát hiện ca bệnh 416 tại Đà Nẵng, lãnh đạo TCT May 10 đã khẩn trương tái thiết lập các biện pháp phòng chống dịch nhằm đảm bảo an toàn sức khỏe cho toàn thể cán bộ công nhân viên, người lao động; duy trì ổn định hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Những tin tức xã hội đáng chú ý khác

Báo Người lao động có bài viết: “Cuộc chiến chống dịch bước vào cao điểm”.

https://nld.com.vn/thoi-su/cuoc-chien-chong-dich-buoc-vao-cao-diem-20200807223101825.htm

Tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về công tác phòng chống Covid-19 cùng lãnh đạo các bộ, ngành và một số tỉnh, TP. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ cuộc chiến chống Covid-19 đã bắt đầu sang thời kỳ cao điểm. Nguy cơ lây nhiễm cộng đồng rất cao, đòi hỏi sự quyết tâm, đoàn kết, trách nhiệm hơn nữa của hệ thống chính trị, nhất là trong ít nhất 2 tuần tới.

Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu các cơ sở y tế, dưới sự lãnh đạo của Bộ Y tế phải có biện pháp, không được chủ quan để bùng phát dịch từ các BV. Khoanh vùng, cách ly xã hội nghiêm ngặt tất cả những nơi được coi là ổ dịch. Xét nghiệm nhanh, chính xác là chìa khóa ngăn chặn dịch lây lan. Các địa phương có dịch phải dành phương tiện, nguồn lực cho việc này. Nếu xét nghiệm nhanh mà không chính xác thì phải xét nghiệm PCR, đi liền đó là chống lãng phí, làm theo nhóm…

Báo điện tử VOV có bài: “Dịch Covid-19 quay trở lại: Cần huy động thêm nguồn lực để phục hồi kinh tế”.

https://vov.vn/kinh-te/dich-covid19-quay-tro-lai-can-huy-dong-them-nguon-luc-de-phuc-hoi-kinh-te-1079669.vov

Sau 99 ngày không có dịch, Việt Nam bắt đầu ghi nhận các ca mắc Covid-19 trở lại tại một số tỉnh, thành phố. Về sơ bộ, có thể thấy tác động tức thì của dịch Covid-19 xuất hiện trở lại không chỉ Đà Nẵng mà các địa phương, các hãng lữ hành, vận chuyển hàng không đều bị huỷ chuyến đi, huỷ hợp đồng du lịch. Sự trở lại của dịch bệnh ngay lập tức đã làm lu mờ những tia hy vọng về sự sớm phục hồi đối với ngành du lịch và đối với một số địa phương hiện nay đang nằm trong tâm dịch.

Theo PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh, Giảng viên Học viện Tài chính, thời điểm hiện nay nếu không kiểm soát tốt để dịch tái bùng phát sẽ là cực kỳ nguy hiểm, tác động về kinh tế sẽ rất lớn do quy mô tác động về cả phương diện địa lý và ngành bị ảnh hưởng. Nguyên nhân là do nền kinh tế của chúng ta đang chịu sức ép lớn từ lực cầu vốn đang rất yếu đối với hàng hóa, sản phẩm và dịch vụ, nay lại đứng trước nguy cơ năng lực nguồn cung bị ảnh hưởng, cụ thể năng lực sản xuất, cung ứng dịch vụ của các doanh nghiệp trong nước có nguy cơ bị ngưng trệ nếu dịch bệnh lan rộng và kéo dài.

Theo bà Stefanie Stallmeister, Quyền Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam, dịch Covid-19 đến nay được coi là cú sốc kinh tế lớn nhất trong 35 năm qua. Mặc dù vẫn đứng vững trong nửa đầu của năm, nhưng nền kinh tế chỉ tăng trưởng được 1,8%, tương đương với mức giảm xấp xỉ 5% so với quỹ đạo tăng trưởng trước đó của quốc gia. Do đó, Việt Nam không nên tư duy theo hướng trạng thái bình thường sẽ quay lại như cũ. Thay vào đó, nên xác định xem trạng thái bình thường mới sẽ ra sao, khi đại dịch làm thay đổi cách thức mọi người sinh sống, làm việc và giao tiếp với nhau.

S 1959 (Tổng hợp)

Từ khóa:
Những kiến nghị và thắc mắc của bạn

Ý kiến của bạn