Điểm tin ngày 17/09/2020

Được đăng bởi: - Ngày đăng: 17/09/2020 10:48:00 AM - Lượt xem: 17 lượt xem.

Xin mời anh chị em và các bạn đến với một số thông tin đáng chú ý ngày hôm nay.

TCT May 10 thông báo khẩn về việc triển khai phương án phòng chống lụt bão (Cơn bão số 5).

Cơ quan khí tượng cảnh báo: Do ảnh hưởng của bão số 5 nên từ chiều 17/9 đến đêm 18/9 các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Quảng Ngãi có mưa to đến rất to, với lượng mưa từ 200 – 300mm/ đợt, có nơi trên 400mm. Từ 18 – 20/9 ở các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ, Thanh Hóa, Nghệ An có mưa vừa, mưa to với lượng mưa phổ biến 100mm.

Theo thông tin trên, Xí nghiệp Hà Quảng, công ty S&D khu vực tỉnh Quảng Bình sẽ bị ảnh hưởng trực tiếp của bão số 5. Các Công ty/ Xí nghiệp địa phương khu vực tỉnh Thanh Hóa sẽ bị ảnh hưởng bởi mưa to đến rất to. Để đảm bảo an toàn mọi mặt về người, tài sản của TCT và CBCNV, chủ động trong mọi tình huống trong công tác phòng chống lụt bão, phụ trách các đơn vị triển khai thực hiện ngay một số biện pháp như sau:

  1. Tổ chức kiểm tra toàn bộ hệ thống công trình, nhà xưởng, kho hàng, kiểm tra hệ thống mái nhà, hệ thống máng, ống thoát nước, hệ thống cống vệ sinh sạch sẽ đảm bảo nước thông thoát tốt.
  2. Chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, phương tiện, vật chất phục vụ công tác PCLB theo phương án PCLB của TCT phân công giao cho các đơn vị và phương án PCLB của từng đơn vị.
  3. Phụ trách các đơn vị tập trung các lực lượng tham gia ứng trực: Cán bộ trực, Bảo vệ, lực lượng Tự vệ và lực lượng Xung kích 1,2 PCLB để quán triệt, giao nhiệm vụ cụ thể, có mặt tại nhà máy ngay để xử lý kịp thời khi có tình huống vụ việc xảy ra.
  4. Hết giờ làm việc hàng hóa tại xí nghiệp, kho hàng phải được xếp cao, sắp xếp gọn gàng và che đậy cẩn thận, chắc chắn và phải kiếm tra khóa chốt, chằng buộc chặt chẽ toàn bộ hệ thống cửa nhà xưởng/kho hàng.
  5. Thường xuyên theo dõi tình hình diễn biến của cơn bão số 5, áp thấp gây mưa to ngập úng, tăng cường kiểm tra phát hiện và tổ chức xử lý, ứng phó kịp thời khi có sự cố xảy ra.

Các đơn vị kiểm tra và báo cáo về BCH – PCLB TCT bằng văn bản và hình ảnh công tác kiểm tra PCLB, trước 14h ngày 17/9/2020. Báo cáo kịp thời về tình hình bão/ sự cố tại đơn vị về Lãnh đạo Tổng Công ty, BCH PCLB TCT để chỉ đạo (nếu có).

Báo điện tử Đài Truyền hình Việt Nam đưa tin: Cảnh giác với cuộc gọi giả danh, "tổng đài ma" nếu không muốn mất tiền oan.

https://vtv.vn/xa-hoi/canh-giac-voi-cuoc-goi-gia-danh-tong-dai-ma-neu-khong-muon-mat-tien-oan-20200917000601396.htm

Những thủ đoạn lừa đảo đang ngày càng tinh vi, mà gần đây đang nổi lên hình thức "tổng đài ma" - những số điện thoại giả mạo trung tâm chăm sóc khách hàng hoặc tư vấn của các thương hiệu nổi tiếng, khách hàng gọi vào sẽ tự động mất tiền.

Thủ đoạn của các "tổng đài ma" là lừa người dùng gọi đến số "tổng đài ma", nghe nhạc chờ trong một thời gian dài, hướng dẫn ấn phím để gặp tổng đài viên. Nhưng sau đó sẽ báo không thể gặp được vì các tổng đài viên đều bận. Mất thời gian chờ đợi và người dùng bị trừ tiền trong tài khoản điện thoại.

Bên cạnh "tổng đài ma", thời gian qua có một hình thức khác khiến nhiều người bị mất tiền lớn hơn nhiều, có người mất tới vài tỷ đồng. Đó là các đối tượng lừa đảo giả danh là Bộ Công an, ngân hàng, Viện kiểm sát.. hay bên bưu chính phát tặng phẩm, gọi điện để lừa người dùng. Thủ đoạn chính là đánh vào tâm lý sợ hãi, hoặc hám lợi của người dân.

Các số điện thoại lừa đảo hầu hết là cuộc gọi có đầu số quốc tế về Việt Nam, sử dụng hàng loạt đầu số với những mã quốc gia không có thực như: +375, +371, +381, +563, +370, +255…

Các nhà mạng mới đây đã áp dụng công nghệ phân tích dữ liệu, trí tuệ nhân tạo, xác định được số điện thoại lừa đảo để chặn ngay theo thời gian thực. Ngoài các biện pháp kỹ thuật từ cơ quan chức năng, người dùng cần tỉnh táo, trước khi tương tác với bất kỳ số điện thoại lạ nào hãy dừng lại một chút, suy xét xem đó có thể là một rủi ro tiềm ẩn hay không.

Báo Hà Nội mới có bài: Lạm dụng thực phẩm chức năng để phòng bệnh: Lợi bất cập hại!

http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/Suc-khoe/978461/lam-dung-thuc-pham-chuc-nang-de-phong-benh-loi-bat-cap-hai

Với suy nghĩ để phòng bệnh, cơ thể cần bổ sung nhiều loại vitamin để nâng cao sức đề kháng, nhiều người đã lạm dụng các loại thực phẩm chức năng có thành phần chủ yếu là vitamin. Tuy nhiên, do không tham vấn các chuyên gia y tế, dinh dưỡng, không nắm được cách thức bổ sung vitamin có trong thực phẩm chức năng như thế nào và nên dùng trong thời gian bao lâu nên nhiều khi việc “tẩm bổ” dẫn đến những hệ lụy không mong muốn.

Bác sĩ Nguyễn Thị Lâm, nguyên Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia cho rằng, khi trẻ uống nhiều dầu cá hay các chế phẩm đa vitamin, khoáng chất của thực phẩm chức năng sẽ dẫn tới hiện tượng thừa vitamin A, có thể khiến trẻ bị phồng thóp, co giật, tăng áp lực nội sọ. Việc lạm dụng thực phẩm có vitamin D có thể khiến trẻ chán ăn, mệt mỏi, nôn ói, xương hóa sụn sớm. Phụ nữ có thai dùng quá nhiều vitamin D sẽ dẫn đến vôi hóa nhau thai.

Phụ nữ có thai, người đang cho con bú, trẻ em, người mắc nhiều bệnh nền, bệnh mạn tính đang điều trị với nhiều loại thuốc cùng lúc không nên sử dụng các loại vitamin có trong thực phẩm chức năng theo kinh nghiệm truyền miệng vì điều đó có thể khiến cơ thể phản ứng với thuốc, gây tác hại cho sức khỏe. 

Vitamin như “dao hai lưỡi”, nếu được bổ sung dư thừa sẽ gây nhiều hệ lụy cho sức khỏe con người.

Hồng Hạnh (Tổng hợp)

Từ khóa:
Những kiến nghị và thắc mắc của bạn

Ý kiến của bạn