Tổ sán chết trong não bệnh nhân khiến bác sĩ nhớ suốt 27 năm

Được đăng bởi: - Ngày đăng: 20/03/2019 10:12:00 AM - Lượt xem: 20 lượt xem.

Nam bệnh nhân vào Bệnh viện Quân y 103 bởi nhiều hạt nổi dưới da và động kinh, bác sĩ phát hiện nhiều ấu trùng sán lợn trong não anh.

Năm 1992, khi nghiên cứu về động kinh, bác sĩ Cao Tiến Đức, Bệnh viện quân y 103 đã gặp một số bệnh nhân bị động kinh do kén sán não. Trường hợp điển hình là nam bệnh nhân 53 tuổi. Anh vào viện điều trị khi có một hạt bất thường nổi dưới da sau đó xuất hiện ở nhiều vị trí khác trên cơ thể. Anh lên cơn động kinh đầu tiên. 

Hai ngày sau, bệnh nhân tiếp tục có đến 6 cơn động kinh, kèm các triệu chứng đau đầu, ngủ kém, căng thẳng, lo âu, suy giảm trí nhớ. Bác sĩ Đức tiến hành các xét nghiệm, nhận thấy điện não đồ của bệnh nhân nhiều sóng chậm biên độ cao (loại điện não đồ bất thường trong cơn động kinh) xuất hiện thành chuỗi.

Bác sĩ tiếp tục sinh thiết hạt dưới da, kết quả bất ngờ phát hiện một nang lỏng chứa ấu trùng sán lợn tồn tại. Hình ảnh chụp não vi tính sau đó cho thấy nhiều nang nhỏ 5 mm bên trong bán cầu và lều tiểu não của bệnh nhân, mô trắng, chất xám lan tỏa.

Bác sĩ kết luận: nang sán đang hoạt động tại hai bán cầu não của bệnh, đã vôi hóa (sán đã chết) ở vỏ não vùng đỉnh. Bệnh nhân sau đó được điều trị bằng thuốc chống động kinh, kết hợp thuốc chống ấu trùng sán bằng paraziquantel.

Hình ảnh về tổ sán trong não bệnh nhân này khiến bác sĩ Tiến Đức nhớ mãi đến nay.

Một hình chụp về sán làm tổ trong não bệnh nhân.

Một hình ảnh chụp về tổ sán trong não bệnh nhân. Ảnh do bác sĩ Đức cung cấp.

Kén sán não là bệnh do ấu trùng sán dây lợn cư trú ở não và gây tổn thương não. Bệnh thường lưu hành ở các vùng dân cư có mức sống thấp, lợn được nuôi thả rông, chưa có nhà vệ sinh đạt chuẩn. Người ăn uống không hợp vệ sinh, hoặc hay ăn những món ăn như tiết canh, lòng lợn, gỏi... dễ mắc. Bác sĩ Đức cho biết, đây được coi là bệnh nguy hiểm nhất trong các bệnh ký sinh trùng gây tổn thương hệ thần kinh trung ương. 

Vòng đời của sán như sau: sán trưởng thành sống ở ruột ký chủ. Các đốt già của sán chứa đầy trứng sẽ tự rụng và theo phân ra ngoài môi trường (đất, nước, rau...). Người hoặc lợn khi ăn uống nuốt phải trứng sán vào dạ dày, sau 48-72 giờ màng trứng bị phân hủy dưới tác dụng của dịch vị và dịch ruột. Trứng thành ấu trùng, chui qua thành ruột vào tĩnh mạch mạc treo, đi theo máu đến mọi cơ quan, cư trú ở mô hoặc phủ tạng nào đó. Sau 60-70 ngày, chúng phát triển thành nang.

Theo các nghiên cứu y khoa, 46% bệnh nhân có sán tồn tại ở mắt và hốc mắt, 41% sán ký sinh ở hệ thần kinh. Còn lại, chúng cư trú ở dưới da cơ và các bộ phận khác. 

Bác sĩ Đức cho biết nguyên nhân mắc kén sán não của người đàn ông trên có thể từ việc ăn uống không đảm bảo vệ sinh, nhưng không thể biết sán làm tổ trong não bệnh nhân từ bao giờ. Đến khi phát hiện, sán trong não đã vôi hóa, có nghĩa sán đã vào người và ủ bệnh từ rất lâu, chết thành tổ. Bệnh nhân không có triệu chứng, đây là cái khó của tình trạng nhiễm ký sinh trùng.

Do 27 năm trước chưa có phác đồ điều trị sán như hiện nay, cũng không thể mổ lấy sán vì ảnh hưởng đến não, bệnh nhân chỉ được uống thuốc chống động kinh và thuốc diệt sán để chúng tự chết đi trong não. Do đó sán bị vôi hóa luôn tồn tại trong não người bệnh. Sau khi điều trị bằng thuốc một thời gian, các cơn động kinh của bệnh nhân giảm dần.

"Nay, khi biết tin hàng trăm cháu nhỏ ở Bắc Ninh nhiễm sán lợn, tôi lại nhớ tới hình ảnh tổ sán trong não của nam bệnh nhân năm đó", bác sĩ Đức nói. 

(Theo Thúy Quỳnh-vnexpress)

Từ khóa:
Những kiến nghị và thắc mắc của bạn

Ý kiến của bạn