Màu của hạnh phúc

Được đăng bởi: - Ngày đăng: 20/03/2019 10:09:00 AM - Lượt xem: 19 lượt xem.

Ngày 20/3 hằng năm là ngày Quốc tế Hạnh phúc. Chủ đề hạnh phúc xưa nay chưa bao giờ cũ và mãi là thứ mà cả nhân loại tìm kiếm.

Tìm hạnh phúc từ bảng xếp hạng

Báo cáo Hạnh phúc thế giới (The World Happiness Report), do Mạng lưới Giải pháp phát triển bền vững thuộc Liên Hiệp Quốc công bố, dựa vào các tiêu chí thu nhập, tuổi thọ, hỗ trợ xã hội, sự tự do, niềm tin… để xếp hạng. Thế nhưng, đây chỉ là bảng xếp hạng để tham khảo, bởi nếu xét ở từng quốc gia, lại không thể hiện được tiêu chuẩn hạnh phúc.

Mau cua hanh phuc

Nụ cười những đứa trẻ Syria tị nạn ở Lebanon

Costa Rica là một ví dụ. Đây là quốc gia nghèo, có mức lương trung bình thấp nhất trong số các quốc gia hạnh phúc nhất thế giới, cùng tỷ lệ thất nghiệp cao. Tuy nhiên, người dân Costa Rica lại đánh giá cao cuộc sống của họ và cảm thấy hạnh phúc. Nếu áp theo những tiêu chuẩn hạnh phúc của Happy Planet Index - chỉ số hành tinh hạnh phúc của tổ chức nghiên cứu kinh tế - xã hội New Economics Foundation (Anh) thì Costa Rica là quốc gia có mức hạnh phúc đáng ngưỡng mộ.

Trẻ em lớn lên ở vùng quê Costa Rica được bao bọc trong môi trường yên bình, đa dạng sinh học. Đây cũng là cái Costa Rica luôn nỗ lực giữ cho thế hệ trẻ. Happy Planet Index (HPI) không đo lường năng lực cạnh tranh kinh tế. Họ chú trọng đến sự ảnh hưởng từ môi trường, sức khỏe và niềm vui mà người dân cảm nhận được.

Thống kê mới nhất của Gallup (công ty tư vấn và phân tích số liệu ở Mỹ) cho thấy, thế giới chúng ta đang sống kém hạnh phúc nhất so với bất cứ thời điểm nào từng có trong khảo sát. Khảo sát thực hiện ở 140 quốc gia, trên những nhóm ngẫu nhiên 1.000 người, với những câu hỏi đơn giản quanh cuộc sống hằng ngày, trước khi đi đến những câu hỏi như: bạn có được tôn trọng? Bạn cười nhiều không? Bạn có học điều gì thú vị không?... Thống kê kết luận, có vẻ hiện nay có quá nhiều điều chi phối, khiến cảm giác hạnh phúc trở thành điều… xa xỉ, dù mọi người đang sống trong điều kiện ngày càng tốt hơn.

Ở Mỹ, gần 50% số người được hỏi trả lời rằng, họ luôn cảm thấy căng thẳng. 40% luôn có nỗi lo về nhiều vấn đề như an ninh, xã hội, công việc, gia đình… Mỹ vốn được xem là quốc gia chỉ tốt cho người giàu và không có tên trong top 20 của HPI. Người dân ở Yemen, Afghanistan bị chiến tranh, đói nghèo, bệnh tật xâu xé là những người kém hạnh phúc nhất. Mỹ Latinh có những người hạnh phúc nhất trên thế giới, vì họ hài lòng với cuộc sống đang có. 

Hạnh phúc là một dải màu

Quyển The Atlas of Happiness của nữ tác giả người Anh Helen Russell đã đặt vấn đề về niềm tin của người dân thuộc các quốc gia trong nhóm dẫn đầu về hạnh phúc. Theo đó, người Phần Lan có triết lý “Kalsarikannit”, hiểu theo nghĩa đen là “mặc quần đùi uống bia” - một người luôn cần sự thoải mái khi làm bất cứ điều gì mà không phải lo lắng bị ai nhòm ngó, phán xét.

Mau cua hanh phuc

Người Na Uy thì có triết lý “đời sống hướng đến thế giới bên ngoài”, dẫn đến việc họ luôn tìm kiếm sự dịch chuyển, tìm kiếm ý nghĩa của sự khỏe mạnh, bồi đắp thể chất lẫn tinh thần từ môi trường xung quanh. Triết lý Lagom của người Thụy Điển là triết lý chỉ cần đủ, không cần dư. Triết lý này là nguồn cảm hứng của lối sống tối giản, chăm sóc giá trị tinh thần thay vì chạy theo vật chất.

Có một triết lý sống, một ước mơ chính là chìa khóa của người Phần Lan, Na Uy, Thụy Điển và là điểm tựa cho những số phận đang tìm kiếm ánh sáng cuộc đời. Kefayat Ullah (16 tuổi) là người tị nạn Rohingya, từ Myanmar đến Bangladesh. Em đang sống ở trại tị nạn Nayapara, cố đến xưởng gạch phụ việc kiếm tiền, dành dụm đi học. Kefayat đã quá quen với những ánh mắt chẳng mấy thiện cảm mà nhiều người dân nhìn vào cộng đồng em đang sống.

Việc học của Kefayat không phải lúc nào cũng suôn sẻ, vì chính quyền thỉnh thoảng lại tuyên bố sẽ không tiếp cận những học sinh có nguồn gốc là người tị nạn Rohingya. Với Kefayat Ullah, không bao giờ có điểm dừng cho hành trình tìm lấy tri thức. Trường không dạy thì em tự học. Em không muốn mình dừng lại, rồi thụt lùi. Trong suy nghĩ của Kefayat,  cuộc sống bây giờ là đủ hạnh phúc, vì em có động lực vươn lên. Em mơ ước trở thành nhà báo, làm những điều tốt đẹp để hỗ trợ cộng đồng người tị nạn đang nỗ lực tìm kiếm tương lai như mình.

Thế giới chúng ta đang sống là thế giới đầy bất trắc. Đó là kết luận của nhiều nghiên cứu xã hội học, tâm lý học toàn cầu. New Zealand vốn là vùng đất bình yên, nhưng lại xảy ra vụ xả súng khiến 49 người chết. Vụ thảm sát xảy ra, không có nghĩa người dân New Zealand mãi mãi mất đi một nơi đáng sống. Từ trong bất trắc, buồn đau ấy, người New Zealand chọn cách tựa vào nhau, nối vòng tay yêu thương và họ gọi đó là cách họ kiếm tìm hạnh phúc trong những ngày sóng gió. 

(Theo Thiên Như-phunuonline)

Từ khóa:
Những kiến nghị và thắc mắc của bạn

Ý kiến của bạn